Bất động sản được kỳ vọng phục hồi trong 2023
Năm 2022, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều khó khăn khi sức mua, thanh khoản giảm mạnh, dòng tiền bị nghẽn. Trong khi đó, khối lượng trái phiếu đáo hạn cuối năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 21.650 tỷ đồng, 119.000 tỷ đồng và 112.000 tỷ đồng.
Nhưng thiếu vốn không phải là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản. Theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), pháp lý là điểm nghẽn lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án. Đơn cử, nhiều quy định pháp luật chưa đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất, việc thực thi chưa hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp... Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng, lỗ hổng quản lý cũng tạo cơ hội khiến một cá nhân, tổ chức đầu cơ, gây nhiễu loạn thị trường.
Bất động sản được kỳ vọng phục hồi trong năm 2023. Ảnh minh họa
Những vấn đề này có thể sẽ được xử lý triệt để hơn trong năm sau, giúp thị trường dần hồi phục một cách bền vững. Nói tại Diễn đàn về dự báo thị trường bất động sản 2023 gần đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) đánh giá, Chính phủ đã có nhiều động thái gỡ vướng về chính sách, pháp lý, cũng như tìm cách khơi thông nguồn vốn để ngành bất động sản phục hồi. Năm nay, dù nội tại của thị trường ổn định nhờ tốc độ phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng mạnh, lực cầu mạnh, lại có dấu hiệu chững lại khi khả năng hấp thụ yếu – thể hiện một nghịch lý.
Ông cho biết, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, tâm lý của doanh nghiệp, thị trường đã có nhiều tín hiệu tích cực. "Doanh nghiệp bất động sản cũng như các nhóm liên quan khác đang chủ động cơ cấu lại sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán... phù hợp, thuận lợi cho khách hàng, nhất là những người có nhu cầu thực sự", ông nói.
Theo dự báo của VNREA, từ quý II năm sau, thị trường sẽ dần phục hồi và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn khi những vướng mắc trên được tháo gỡ, môi trường pháp lý được có nhiều bước tiến mới, tăng trưởng kinh tế khả quan...
Tín dụng năm 2023 sẽ tốt hơn
Phát biểu tại diễn đàn "Dự báo thị trường bất động sản 2023" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) tổ chức, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết: Năm 2023, các luồng tiền vào thị trường bất động sản cho thấy tín hiệu tích cực.
Theo PGS.TS Chung, luồng tiền thứ nhất là tín dụng năm 2023 sẽ tốt hơn năm nay nhờ quyết định nới thêm hạn mức tín dụng từ 1,5-2% cho ngân hàng thương mại để tạo đà giúp doanh nghiệp vận hành. Sang năm 2023 tín dụng chắc chắn không giảm.
Luồng tiền thứ hai là chứng khoán có xu hướng tăng sẽ cung cấp một lượng tiền khổng lồ đi vào nền kinh tế và thị trường bất động sản. "Nếu chỉ tăng 25% thực sự rất tốt nhưng cũng có thể tăng lên đến 30%, 40% thậm chí 50%, vì khi đã xuất hiện đỉnh, khả năng vượt đỉnh có thể xảy ra", ông Chung nói.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, luồng tiền thứ ba là trái phiếu đang dần phục hồi. Năm 2023, còn một lượng trái phiếu đáo hạn nhưng nếu được phản ứng bằng những chính sách kịp thời, vấn đề sẽ được kiểm soát.
Luồng tiền thứ tư là kiều hối vẫn ổn định. Việt Nam thuộc nhóm 10 nước nhận kiều hồi lớn nhất thế giới, trong đó ước tính 25% lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản nói chung.
Luồng tiền thứ năm, là từ các nhà đầu tư tiềm năng không hạn chế với tâm lý “có tích luỹ sẽ đầu tư đất đai, nhà ở”.
Ngoài ra, những luồng tiền còn lại bao gồm: việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã dần vượt qua thời điểm khó khăn; M&A tiếp tục tăng; nhiều nhà đầu tư chiến lược mới xuất hiện có thể xem như sếu đầu đàn làm thay đổi cục diện của một địa phương, một vùng kinh tế cũng ở mức ổn định…
Đặc biệt, ông Chung cho rằng, năm 2023, luồng tiền đến từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài “vô cùng tươi sáng”. Vì hơn 200 đại diện cấp cao của các công ty đầu tư hàng đầu bình chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất, nhì trong nhóm các thị trường mới nổi, đồng thời lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.
Kỳ vọng vốn nước ngoài
Chia sẻ trong sự kiện “2023: A Market Outlook” do BritCham" tổ chức ngày 7.12 vừa qua tại TP.HCM, ông Neil MacGregor nhìn nhận đây là thời điểm khó khăn với các chủ đầu tư trong nước khi niềm tin của người mua nhà đang giảm, những vướng mắc về khung pháp lý là nỗi đau đầu lớn với các chủ đầu tư. Trong khi đó nguồn vốn khan hiếm do siết tín dụng kéo theo tính thanh khoản sụt giảm. Đồng thời chi phí xây dựng tăng lên đã không còn là môi trường kinh doanh lý tưởng với các doanh nghiệp.
Cho đến khi những vấn đề về khung pháp lý được cải thiện, thị trường sẽ chứng kiến một số hệ quả chính như: quá trình xây dựng bị gián đoạn do thiếu vốn xây dựng, kéo theo doanh số bán sụt giảm. Vấn đề này sẽ kéo dài cho đến khi các chủ đầu tư có thể cung cấp các sản phẩm mới cho thị trường, đặc biệt là căn hộ trung cấp và bình dân. “Tuy nhiên, nhìn về phía trước, chúng tôi đang thấy rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế bất chấp những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nói chung. Các nhà đầu tư vẫn liên tục nhận được sự quan tâm trên tất cả các phân khúc của thị trường và xu hướng này sẽ được duy trì. Điều đó cũng được phản ánh trong kết quả thu hút FDI trong năm 2022”, ông Neil MacGregor nói.
Ảnh minh họa
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, ngành bất động sản tiếp tục là một phần quan trọng trong các thương vụ M&A năm 2022. Rất nhiều các thương vụ M&A trong số đó là của các nhà đầu tư Việt Nam. Nhưng cũng có những giao dịch quan trọng diễn ra giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, trong bối cảnh tín dụng hạn chế và thiếu vốn trên thị trường trong nước, các chuyên gia hy vọng sẽ thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như vốn nước ngoài vào thị trường trong năm 2023.